watch sexy videos at nza-vids!
Phong Ma Thần Binh
Thể loại nhập vai, đi bàn. Đồ họa đẹp không cưỡng được. Nếu bạn từng là fan của Diablo thì Phong Ma Thần Binh sẽ giải tỏa cơn khát game của bạn.
Tải ngay (Offline)
Chỉ mục bài viết
Chị Hạo
Trang 2
Tất cả các trang

Chị Hạo

Tác giả: Phạm Thái Lê

Chị là con cả của một gia đình có mười bốn người con. Bởi vậy, ngay từ thuở bé, chị đã phải lao động rất vất vả. Mười tuổi chị đã xay được thóc. Cái cần cối xay cao ngang mũi chị được nối với cây luồng ở mái hiên bằng sợi dây thừng to đen và sần sùi. Tối tối, cơm nước xong, bắc nồi cơm rượu lên bếp là chị lại xay thóc. Chị đứng choãi chân, tay hơi với lên một chút và kéo. Cái cối quay ù ù.

Mẹ chị bảo xay thóc phải kéo cho tròn, đừng kéo hình vuông, lâu lắm. Chị vừa quay vừa đếm. Cứ xong độ năm lần một trăm thì hết cối. Lúc ấy, nồi cơm cũng vừa cạn. Suốt từ sáng cho tới khuya, chị làm quần quật: xay thóc, nấu cơm, ủ rượu, nấu rượu, chăn lợn, trồng rau, xay thóc... Từ năm mười tuổi đến năm mười bảy tuổi chị cũng chỉ làm có ngần ấy thứ việc. Lặng lẽ quay như cái cối xay, có khi cả ngày chị chẳng nói câu nào. Năm chị mười tám tuổi, em gái chị lấy chồng rồi sinh con cùng với mẹ. Hôm mẹ chuyển dạ, chị thức suốt đêm. Chị thấy đau đẻ thật là khổ. Mẹ chị mồ hôi túa ra, hai tay túm chặt song cửa sổ trạm y tế, nghiến răng, ghì xuống. Chị thương mẹ lắm. Lúc ấy, chị nghĩ tại sao mẹ lại phải đẻ nữa? Rồi thoáng qua rất nhanh trong đầu chị một nỗi lo sợ: sau này chị cũng phải đau đẻ như thế. Nhưng rồi chị xấu hổ không dám nghĩ tiếp. Hôm sau, chị định xưng tội nhưng lại đắn đo mãi. Không biết nghĩ như thế có phải là có tội hay không?

Chẳng biết nghĩ thế là có tội hay không nhưng mỗi khi nhìn đứa con của người em gái còn đỏ hỏn bọc trong cái tã, đầu đội mũ hoa có cái riềm trước trán, chị lại xúc động. Đứa trẻ vừa đẻ ra, mắt đã to sáng, cái nhìn thì trong veo như Đức Mẹ đồng trinh. Những ngón tay bé xíu, nhăn nheo bị buộc chặt vào trong tã, thi thoảng quẫy ra được, huơ huơ trước mặt chị. Chị thường ngồi ngắm cháu thật lâu. Chị nghĩ đau đẻ chỉ một lúc nhưng lại được đứa con. Từ độ ấy, chị thấy trong người khác hẳn. Có đêm chị mơ thấy mình chửa. Bụng phình to như cái nồi nấu rượu, đi lại rất khó khăn. Thế rồi lúc đang xay thóc, tự nhiên bụng chị xì xì như nồi rượu bị nứt, phả hơi rượu thơm nồng. Chị lấy bát cám trét bụng lại nhưng càng trét nó càng lở. Hơi rượu làm tay chị bỏng rát rồi teo lại, nhăn nheo như tay đứa trẻ mới đẻ. Sáng dậy, chị bực mình lắm. Lúc cho lợn ăn xong, chị tự tát vào má mình một cái. Chỉ tại mình nghĩ bậy nên mới mơ ngủ như thế. Đêm đó, chị ngồi đọc kinh đến một giờ sáng.

Đầu mùa thu năm ấy, xứ đạo Tân An xây lại nhà thờ. Các em chị một buổi đi học, một buổi thay nhau đi làm. Chị nghĩ xây nhà thờ là việc chung, và chị muốn nghỉ vài ngày việc nhà để tham gia. Mẹ chị bảo thế cũng được. Công việc ngoài nhà thờ chẳng nặng nhọc gì. Chỉ gánh đá, gánh gạch, trộn vữa và xách hồ khi thợ gọi. Trước khi đi, mẹ chị nhắc nhở: "Đội thợ xây này là dân ngoại đạo nên phải chừng mực, tuyệt đối không được cười đùa trêu chọc". Nhớ lời mẹ, ra đến nơi là chị lặng lẽ làm. Thế nhưng là phòng thế thôi chứ chẳng thấy ai trêu chọc gì. Quãng độ ba tháng thì nhà thờ xây xong phần thô. Việc hoàn thiện lại do một nhóm thợ khác, giỏi hơn, chuyên trang trí, đảm nhiệm. Một em gái nữa của chị đi lấy chồng. Việc trong nhà dồn lại nhiều hơn.

Một hôm, lễ xong, chị rẽ vào nhà thờ mới. Nghe nói người ta đắp nổi các tích trong kinh thánh đẹp lắm. Đang vơ vẩn, chị bỗng nghe tiếng gọi giật giọng: "Cô gì kia, giúp tôi một tay". Quay lại tiếng gọi, chị thấy một anh thanh niên đứng cạnh cái thùng to. Lẳng lặng đi đến khênh hộ, mắt chị vẫn nhìn xuống đất. "Ấy, cẩn thận kẻo dây ra áo cô đấy". Chị ý tứ giữ lấy vạt áo dài, thầm nghĩ: Giọng anh ta khác quá, nghe ấm mà gần gũi như người quen. Lúc đến nơi, đặt cái thùng xuống đất, liếc vội người thanh niên, chị kịp nhận ra anh ta thật nhiều râu, đã cạo nhưng vẫn xanh rì khắp mặt. Chị vội vã ra về.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, chị muốn kiếm cớ để ra nhà thờ. Chị muốn nhìn xem có đúng mặt anh ta nhiều râu như thế hay không. Nhưng chẳng có cớ gì cả. Thế rồi chị tự trách mình. Nhiều râu thật thì đã sao. Anh ta lại là người ngoại đạo. Mẹ đã dặn. Mình không được để ý. Thực ra thì mình cũng mới nhìn anh ta có một lần chứ có để ý gì đâu. Mình muốn biết xem hôm ấy nhìn có đúng không thôi. Rồi chị tự bảo không được nghĩ nữa. Nhưng khi dọn chuồng lợn, con nái Móng Cái cọ vào chân buồn buồn, chị lại nghĩ đến khuôn mặt đầy râu của anh thợ. Vô lý nhỉ. Người ta có râu làm gì mà lắm thế? Rồi chị lại gạt đi, biết cũng chẳng để làm gì.

Thế rồi nhà thờ cũng kịp khánh thành trước lễ Giáng Sinh. Mọi người háo hức chuẩn bị cho ngày lễ trọng. Chị ủ thêm một nồi rượu mỗi ngày. Hôm hồi công thợ, chị gánh rượu ra nhà thờ. Đám thợ đang ngồi ngay trước tiền sảnh gọi chị: "Thơm quá, cô em ơi, rượu hả ?". Chị im lặng nghiêng nón nhưng khẽ liếc tìm khuôn mặt nhiều râu mà chẳng kịp nhìn thấy gì cả. Tự nhiên chị thất vọng rồi mắng mình: Rõ là vớ vẩn. Thế nhưng trong lúc phụ giúp nấu nướng, chị vẫn cố ý tìm. Chị muốn nhìn thấy khuôn mặt ấy, nghe lại giọng nói ấy. Để làm gì thì chị cũng chẳng biết. Cũng như vì sao nhà chị lại nấu rượu. Vì sao các em chị đã đi lấy chồng mà chị thì chưa. Chị thấy cuộc đời này có quá nhiều cái khó hiểu. Có cái diễn ra hằng ngày, cả trong con người chị mà chị cũng không lý giải được.

Năm ấy, chị hai tư tuổi. Hai tư tuổi mà vẫn chưa lấy chồng là đã bắt đầu muộn. Chị không thắc mắc vì sao không có ai đến hỏi mình. Ngày ngày công việc cứ êm ả trôi. Chị chăm chỉ và cần mẫn. Mỗi năm hai con nái cho bốn lứa lợn con. Lợn mẹ khoang đen. Lợn con trắng bạch. Mỗi ngày một nồi rượu, một nồi cơm. Mỗi nồi rượu lấy năm lít. Cơm nấu xong dỡ nguội thì trộn men. Mùa nóng sáu viên. Mùa lạnh tám viên. Ủ hai ngày thì vào nước. Ngâm hai ngày thì nấu... Chị như một cỗ máy thành thạo. Mọi người trong gia đình xem đó là sự phân công rất tự nhiên, không cần thay đổi. Có lúc chị nghĩ rồi mình cũng phải lấy chồng chứ. Nhưng lấy ai thì chị không thể nghĩ được. Chị không có bạn. Trong xứ có dăm bảy người cùng học với chị đến lớp năm giờ đã con cái đề huề. Có một người đi xa, còn một người làm lò vôi bị đá lăn dập chân rồi bị vi trùng uốn ván chết năm ngoái. Lứa con trai lớn tuổi hơn chị trong xứ cũng chẳng còn ai. Lấy sang xứ khác thì xa xôi mà chị cũng chẳng quen biết là mấy. Có lần chị vô tình nghe cha mẹ chị bàn nếu vài năm nữa không có ai hỏi thì cho chị vào nhà thờ giúp việc cho các sơ. Chị nghĩ thế cũng được!

Nô-en năm ấy trời không rét, lại sáng trăng. Từ bé đến giờ chị chưa thấy Giáng Sinh nào lạ như thế. Mười giờ đêm chị tranh thủ về xem mấy đứa em tiếp bạn bè thế nào để còn trở ra nhà thờ cho kịp. Vừa bước vào cổng, chị đã thấy trong nhà có người lạ mặc com-lê đang ngồi nói chuyện với mẹ chị. Chưa kịp đi tạt vào chỗ khuất, chị đã nghe người đó lên tiếng: "Hạo về đấy à?". Ai mà lại biết mình nhỉ? Chị đành phải đi vào nhà. "Nhận ra mình không, mình là Tuân, Tuân Đạt đây". Thì ra Tuân con ông Đạt, trước cùng học với chị. "Nghe nói ở đâu xa lắm cơ mà". Tự nhiên chị lúng túng rồi buột ra một câu trống không. Bởi tại chị không biết xưng hô thế nào. Bây giờ người ta đã là cán bộ, người ta có học, mình không thể một bè một lứa được. Chưa bao giờ chị lúng túng đến như vậy. Những người đàn ông mà chị tiếp xúc chỉ là những người quen trong xứ, không chú bác thì cậu dượng, mà không nữa thì cũng chỉ là những người mua rượu của chị ngoài chợ. Họ chỉ bảo chị đong đầy lên hay tại sao hôm nay rượu sốc thế. Quá lắm họ trêu chị vài câu đại loại lấy anh không về nấu rượu cho anh uống, hay rượu ngon nhỉ, người cũng ngon... Những lúc ấy, chị lặng lẽ làm dấu rồi ngồi xịch sang chỗ khác trong hàng rượu là xong.

Thế nhưng trước một người cùng xứ, cùng học, chị lại ngượng ngập. Tiếng là học cùng nhưng hồi ấy bé quá, lại lâu rồi nên chị chẳng ghi nhận gì. Đại khái là có mấy đứa con trai mặt nhem nhuốc như nhau, áo quần dây đầy mực như nhau. Da đen nhẻm và tóc khét lẹt, cả trai cả gái. Hết lớp năm chị ở nhà. Lứa học với chị rơi rụng dần, duy có Tuân vào học cấp ba, rồi học trung cấp tài chính kế toán trên tỉnh và đi làm ở cơ quan nhà nước. Đấy là chị vừa nghe Tuân nói thế chứ chị có biết gì đâu. Chị ngồi lấy tay di vệt nước trên bàn thành hình tròn rồi méo rồi vuông, im lặng nghe Tuân nói. Một lúc sau, ngẩng lên rót nước cho Tuân, chị chợt nhận thấy mặt Tuân cũng đầy râu, cũng đã cạo sạch nhưng cũng lộ ra đám xanh kéo từ mang tai xuống cằm và cổ. Chị thoáng xúc động. Chị thấy mình thật vô duyên. Từ lúc ấy trở đi, chị không dám nhìn vào mặt Tuân nữa. Tuân hỏi chị đủ thứ chuyện, chị đáp dè dặt. Trò chuyện được một lúc, giọng Tuân nghiêm lại: "Này, mình nói thật lòng, Hạo đừng giận. Phải lấy chồng đi. Phụ nữ không lấy chồng là không ổn đâu". Chị cười, nụ cười không vui cũng chẳng buồn, cũng chẳng phải xã giao vì chị không biết cười xã giao bao giờ cả. Hình như chị xấu hổ. Chưa ai nói một cách thẳng thắn như thế với chị. Ở xứ này, trai gái không tán tỉnh nhau, không bay bướm hoa lá. Họ thinh thích nhau, cha mẹ đi dạm hỏi. Thế là cưới. Thế là thành vợ chồng, sinh con đẻ cái, đứa nọ nối tiếp đứa kia, rất tự nhiên. Chị chưa thấy mình thích ai bao giờ. Đơn giản vì chị bận bịu quá. Suốt ngày lo lỏm công việc. Nhà chị lúc nào cũng sạch sẽ ngăn nắp. Đám vườn nhỏ quanh năm xanh tốt, không một cây cỏ, không một tí đất để không. Vài năm lại đây, người ta bỏ dần cối xay tre để xay máy nhưng nhà chị thì không. Gạo nấu rượu chỉ cần xay lứt. Với lại cái cối bao đời gắn bó nay tự nhiên phá bỏ đi cũng không đành. Thế là tối chị vẫn xay gạo, nấu cơm rượu. Rồi bận bịu cưới em trai, cưới em gái, giúp làm nhà cho em, chăm em gái em dâu sinh nở. Mùa Giáng Sinh này nối mùa Giáng Sinh khác, thời gian lặng lẽ trôi qua. Chị cũng không biết có ai thích mình hay không nhưng nghe những lời Tuân nói, chị biết Tuân thương chị. Có thể với người có học thì tình thương của họ rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, chị không thể biết hết nhưng chị hiểu chị là người đáng thương. Tự nhiên chị thấy Tuân lớn lao vĩ đại như Cha xứ, gần gũi thân thiết như người bạn gái mà chị chưa có bao giờ.

Hai ngày sau, Tuân sang chào chị để lên tỉnh. Lúc ra đến cổng, Tuân nói vọng lại: "Tết mình về Hạo phải lấy chồng đấy nhá!". Tết mình về! Chị thấy lòng xôn xao. Bấy giờ đã vào tháng mười một ta. Hơn một tháng nữa là Tết.



Copy Trang này :Tại đây !
Chia sẻ bài viết
Facebook Twitter