watch sexy videos at nza-vids!
Bá Vương Cung
Game mới ra mắt,thể loại : nhập vai, hành động cực hay. Chưởng cung phong phú và đẹp mắt. Cốt chuyện hấp dẫn, đồ họa tuyệt vời.
Tải ngay (Offline)
Chỉ mục bài viết
Chết Hụt
Trang 2
Trang 3
Tất cả các trang

Chết Hụt

Tác giả: Hải Ngữ

Tường giật mình tỉnh giấc. Trống ngực chàng đập thình thịch. Tường thấy rõ ràng tên công an ria nguyên tràng đạn vào lưng chàng. Máu tuôn ra từ miệng lỗ vết thương ướt đẫm lưng và ngay lúc đó chàng tỉnh dậy. Tường thở phào. Cái cảm giác váng vất của giấc ngủ nửa chừng và cơn ác mộng làm chàng khó thở. Tường hít mạnh dưỡng khí vào buồng phổi. Lưng chàng ướt đẫm mồ hôi. Cái cảm giác nhớp nháp vì lớp vải áo dính sát vào da làm chàng nhớ đến tràng đạn cày nát tấm lưng trong cơn mê. Tường cựa mình hơi chồm người về phía trước để hằn lại trên lưng ghế một khoảng mồ hôi ươn ướt; thấm đậm lớp vải bọc màu đỏ bây giờ đã đổi sang màu nâu sậm. Đến lúc này chàng mới nhớ là mình đang ngồi trên chiếc máy bay của hãng hàng không Đài-loan trong chuyến bay về thăm quê hương.

Chàng mở cái túi xắc để dưới chân, lôi ra chiếc khăn tay lau vội mồ hôi chảy dài xuống hai bên thái dương. Khuôn mặt chàng cũng đã ướt nhễ nhãi. Tường dợm người định đứng dậy vào phòng vệ sinh thì đèn “fasten your seat belt” nhấp nháy. Tiếng cô tiếp viên báo chỉ còn mười lăm phút nữa là máy bay đáp xuống phi trường Tân-sơn-Nhất, yêu cầu hành khách ngồi tại chỗ. Chàng kéo lớp áo ra khỏi lưng để tránh cái cảm giác ươn ướt khó chịu. Từ lúc máy bay cất cánh khỏi Đài-loan, Tường ngầy ngật buồn ngủ rồi chàng thiếp đi lúc nào không hay. Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, chàng thấy rõ ràng mình dẫn một tốp mười người vượt qua quốc lộ để tiến vào bãi ruộng xâm xấp nước toàn những gốc cây chà là cứng như sắt. Lúc đó Tường chỉ mới mười lăm tuổi. Nó chuyên dẫn khách vượt biên đến chỗ hẹn. Đây là điểm hẹn của “taxi”. Từ trạm này, khách được đưa lên “cá lớn” vào lúc gần sáng. Nếu thuận buồm xuôi gió, tàu sẽ ra khỏi cửa biển vào lúc tảng sáng, rồi đi luôn. Nhưng biết bao nhiêu là trục trặc. Nào là công an tổ chức những cuộc vượt biên giả để hốt vàng. Nào là công an của xã khác cố ý ăn hôi, đụng độ với công an của xã đã được đút lót. Chuyện bắn nhau xảy ra là thường. Công an cũng có thể ngang nhiên bắn vào khách vượt biên để cướp bóc. Rồi chủ tàu cũng có thể lừa khách từ thành thị ra. Quăng ra bốn lạng vàng là giá ra đi cho một người, chuyện xui nào cũng có thể xảy ra cho khách vượt biên cả. Nói đến xui là nói đến mất hết tiền và tù tội nhưng mẹ con Tường thì không sao vì chủ tàu đã sắp xếp mọi chuyện. Nhà nó chuyên chứa khách ở Sàigòn xuống từ buổi chiều. Tường phải ra ngoài quốc lộ để đón họ vào nhà. Dĩ nhiên mọi chuyện đã được sắp xếp và đút lót nhưng cũng không thể lộ liễu quá. Trẻ con trong xóm thấy khách xuống là biết ngay tối nay thế nào cũng có tàu vượt biên.

Chúng kháo ầm lên khi khách cúi đầu che mặt bước vội vào con đường mòn để tránh sự chú ý của mọi người. Tường phải dỗ dành, đôi khi nạt nộ để chúng đừng lên tiếng làm phiền đến khách. Dẫn khách vào đến nhà, Tường tản họ ra mỗi người một xó và rỉ tai dặn dò khi có biến. Họ ngồi im thin thít trong những góc bếp tối tù mù. Tiếng thì thầm cầu kinh, thỉnh thoảng xen lẫn với tiếng thở dài, vang lên trong đêm nghe buồn não nuột. Đêm khuya, tiếng chân người lao xao hay tiếng chó sủa trăng ngoài ngõ cũng làm họ giật mình. Không lo sợ sao được khi giao phó sinh mạng vào tay những người không quen biết trong một chuyến đi có quá nhiều rủi ro. Khoảng quá nửa đêm, Tường có nhiệm vụ dẫn tốp người ra điểm hẹn. Khoảng đường chưa tới một cây số nhưng phải băng qua quốc lộ, ném mình vào bãi chà là, quanh co một lúc mới đến chỗ. Tường sinh ra và lớn lên ở đây nên dọc theo con sông có ngõ ngách nào mà nó không biết. Chính vì thế, chủ tàu luôn luôn giao cho nó dẫn những khách ruột thịt, thân cận. Dẫn khách đến nơi thì coi như xong nhiệm vụ và mỗi đầu người chủ nhà trả cho mẹ nó năm nghìn. Đổ đồng ra mỗi chuyến gia đình nó kiếm trên dưới năm chục nghìn. Nhờ thế mà cả nhà mới có miếng ăn cái mặc sống tạm bợ trong những năm đầu tiên mất nước. Tường dẫn khách trót lọt được khoảng hơn năm thì bỗng nhiên vào một buổi sáng đẹp trời, nó leo lên “cá lớn” và vượt biên với khách luôn, không một lời từ biệt gia đình. Năm đó là năm 1980.

Tường ở trại tỵ nạn khoảng một năm thì được một gia đình Mỹ bảo trợ theo diện mồ côi vì dưới mười tám tuổi và không có thân nhân ruột thịt ở nước ngoài. Ông bà Hopkins không có con cái nên rất mực yêu thương Tường. Bù lại Tường hết sức kính trọng cha mẹ nuôi. Chàng chăm chỉ sách đèn vì biết rằng đây là con đường duy nhất để chàng tiến thân. Cuộc sống tương lai có khấm khá hoàn toàn nhờ cậy vào số vốn kiến thức thâu thập được ở trường học và như thế người mẹ và hai thằng em trai đang sống lây lất ở vùng đất khô cằn mới có cơ hội ngóc đầu lên được. Ngày xúng xính áo mão ra trường, ông bà Hopkins hãnh diện đứng bên chàng tươi cười nhìn vào ống kính. Tường tỏ lòng hiếu thảo với hai ông bà giống như đối với người mẹ khi chàng bỏ học bôn ba kiếm sống chỉ vài năm sau ngày mất nước. Thăm nhà lần này Tường không báo cho mẹ biết vì muốn dành một sự ngạc nhiên và chàng cũng háo hức muốn xem sự đổi thay sau mười tám năm xa quê hương. Trong thư mẹ chàng kể thì làng mạc xác xơ hơn trước nhiều. Những gia đình ở vùng biển có con cái vượt biên như chàng thì cuộc sống tương đối đỡ chật vật còn đa số những gia đình khác phải bương chải lắm mới xoay nổi ngày hai bữa cơm cho đầy bụng. Niềm hạnh phúc tầm thường của họ nhiều khi chỉ là ăn được bát cơm đầy; còn những chuyện học hành, kiến thức, giải trí nghe ra vẻ quá hoang đường. Tường ước tính là sẽ giúp mẹ và hai thằng em một số vốn để làm ăn cho lâu dài…

Máy bay chạy từ từ quay mũi rồi đậu hẳn lại trên phi đạo. Tường hăm hở khoác cái sắc lên vai và lục tục theo mọi người xuống thang. Cái nóng hừng hực tháng sáu đập vào mặt chàng khi vừa bước ra cửa máy bay làm Tường choáng váng. Người chàng vừa ráo mới mồ hôi bây giờ đã thấy nhơm nhớp trên lưng. Thằng Quỳ, bạn cùng xóm, đã dặn chàng nên mặc đồ nhẹ. Mùa này ở Sàigòn nóng nung người! Nó nói mầy còn nhớ khoảng tháng này tao và mày dầm mình ngoài sông cả ngày không? Lòng Tường vui vui khi nghĩ đến gặp lại thằng bạn nối khố sau bao nhiêu năm xa cách. Chiếc xe buýt chở khách từ phi đạo tiến thẳng vào phòng đợi. Chàng lóng ngóng tìm Quỳ. Thằng bạn đã dặn chàng kỹ lưỡng, cứ đứng đợi rồi tao sẽ vào lo mọi thủ tục cho mày, nhìn tướng mày ngơ ngáo mấy thằng Hải quan sẽ bắt chẹt chết luôn.
- Tường phải không?
Có tiếng hỏi từ phía sau lưng. Chàng quay lại, ngờ ngợ:
- Quỳ hả…?

Hai người bạn ôm chầm lấy nhau. Thỉnh thoảng Tường đều nói chuyện với Quỳ qua điện thoại. Xem vậy nhưng cũng không bằng khi gặp mặt. Tướng nó cao hơn xưa nhiều. Nước da không còn đen sạm như thưở còn bé, kết quả của những ngày làm việc ở thị thành, tránh xa việc đồng áng. Gần hai mươi năm mới gặp lại thằng bạn chơi với nhau từ thuở còn ở truồng tắm sông, Tường thoáng thấy cay cay ở khoé mắt. Và chàng cũng hơi ngạc nhiên khi nghe giọng của Quỳ ngắt quãng vì xúc động:
- Mày… mày vẫn vậy. Khuôn mặt không thay đổi bao nhiêu. Tao nhận ra mày ngay trong đám đông.
- Vậy hả! Mày cũng không thay đổi lắm. Nhưng mày đứng đâu mà tao không thấy?
Không để ý đến câu hỏi của Tường, Quỳ dẫn chàng đi về phía Hải quan, hạ thấp giọng:
- Tao phải vào trong này không thì bọn nó moi hết tiền của mày.
Rồi Quỳ nhắn nhủ:
- Mày đưa tao bốn tờ năm đồng. Mình không thể không cho chút nó tiền. Tao quen một số thằng hải quan mới được vào hẳn trong này để đón mày, chứ đúng ra phải đứng ngoài kia đợi mày làm xong giấy tờ mới được gặp.

Đến lúc này, Tường mới nhận thấy là chỉ có mỗi Quỳ là được vào hẳn trong này còn đám thân nhân đứng phía bên kia hàng rào đan mắt cáo đang vẫy tay, gọi nhau ơi ới. Nhìn quanh quất, Tường thấy trong những sổ thông hành đưa ra có thấp thoáng những tờ đô la xanh được vội vàng nhét vào giữa. Quỳ giải thích:
- Nó trở thành tiền lệ. Những ai không có tờ bạc kẹp vào giữa cuốn thông hành, bọn nó sẽ làm tình làm tội cho đến khi lòi ra thì thôi. Việt kiều về nước chỉ mong gặp người thân, họ không tiếc gì vài ba chục bạc nên bọn hải quan tha hồ hốt bộn. Hàng hóa ít thì chi ít, hàng hoá nhiều thì phải chi nhiều không thì chúng nó bắt mở ra hết mọi thùng hàng để kiểm kê đồ quốc cấm. Tao nói thật, mày dễ dàng mất vài ba ngày chỉ để kiểm kê mà thôi, chưa nói đến giấy tờ khai báo, rồi giấy tờ nhập cảnh. Nghĩa là, bọn nó có đủ lý do để giữ mày lại. Về chơi chỉ có hai ba tuần, mất mẹ nó ba bốn ngày chỉ vì giấy tờ lôi thôi thì phí quá. Cho nên ai cũng sẵn sàng chi cho chúng nó để yên thân. Công việc ở đây bọn con ông cháu cha chia nhau ra bao thầu, còn vài công việc hèn mạt khác bọn nó mới để cho nhân dân. Nhưng cũng không dễ, tao nghe nói chỉ mỗi công việc khuân vác hành lý mà phải đóng đến cả chục cây vàng mới được vào.

Trước đây, Tường nghe nói nhiều đến chuyện này. Chàng nghĩ phép vua thua lệ làng, vào đến đất nước người ta thì phải theo luật lệ của họ mặc dù luật lệ này không hề ghi trong bản Hiến pháp. Nhưng khi đối diện với sự việc, Tường lại cảm thấy bất bình. Cứ đổ đồng mỗi Việt kiều bỏ ra hai chục, mỗi năm có đến vài ba triệu người về, vị chi chúng bỏ túi đến mấy chục triệu đô la một cách vô lối. Tường níu áo bạn:
- Hay là đừng đưa cho bọn nó xem sao! Tất cả Việt kiều đồng lòng thì chúng làm gì được mình.
Quỳ vỗ vai:
- Thôi bố ơi! Cho con xin. Nếu cả đám Việt kiều cứ làm theo lời mày nói thì có thể chúng nó cũng chẳng làm được gì! Làm tình làm tội nhiều quá thì có ma nó về. Mà Việt kiều bọn mày không về thì chúng đói. Nên chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Nhưng sự thật nó có xảy ra như thế đâu. Bao nhiêu năm nay, Việt kiều cứ về dâng tiền để chúng nó sống vương giả. Những người đi sau dù không muốn vẫn phải theo tiền lệ của số người đi trước đã đặt ra. Riêng tao nhiều khi thấy chúng nó vung tiền ăn chơi mà xót ruột. Một đêm chúng nó du hí bằng cả năm lương tài xế của tao. Đồng tiền mình kiếm được đâm ra thấy vô lý, quá vô lý. Nhưng tao bảo mày thêm, ở Việt-nam bây giờ có những chuyện vô lý như thế đó. Còn mày về đây vui chơi thoải mái chứ để chuốc lấy những chuyện bực mình hay sao? Nói nhỏ cho mày biết, mình phải làm xong thủ tục để tao còn dẫn mày đi mấy chỗ du hí. Bảo đảm mới mẻ với mày lắm. Thôi! Nhanh chân lên mày ơi! Đưa ngay đây hai chục.

Tường móc túi đưa cho Quý nắm bạc. Chàng đứng thẫn thờ nhìn số hành khách đang ngóng chờ con dấu của hải quan. Chỉ có một con triện nho nhỏ màu đỏ nhưng rất cần thiết. Điểm đặc biệt mà chàng nhận xét là không có lấy một dân Nam kỳ nào làm việc ở bàn hải quan mà chỉ toàn là thứ Bắc kỳ sau 75 cả. Tường biết thế vì căn cứ vào cái giọng Bắc the thé xói buốt vào óc mà chàng đã nghe gần hai mươi năm về trước. Chàng lặng yên theo dõi đám nhân viên đỡ lấy sổ thông hành và những tờ giấy bạc xanh khéo léo nằm lọt giữa lòng bàn tay của họ một cách thiện nghệ, cứ như nhà ảo thuật đang biểu diễn trên sân khấu.
Thủ tục rồi cũng xong. Quỳ chở Tường trên chiếc xe minivan, nhập vào dòng lưu thông. Lần đầu tiên Tường đặt chân đến thành phố được mang tên là Hòn ngọc Viễn đông nên cái gì chàng cũng thấy lạ. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh lỵ, Tường chưa khi nào bước đi xa quá Vũng-tàu. Tính ra Sàigòn chỉ cách nơi chàng ở độ non trăm cây số, thế mà Tường chưa bao giờ có cơ hội nhìn tận mắt thành phố hoa lệ này. Điều làm Tường ngạc nhiên nhất chính là số lượng xe tràn ngập trên đường phố, chạy không theo một luật lệ nào cả. Hệ thống đèn đường chỉ để cho có lệ vì ai cũng hăm hở vọt xe lên trước. Nhìn Quỳ khéo léo lách xe giữa một rừng xe cộ gồm xe hơi, xe gắn máy, xích lô đạp, xe đạp, Tường chép miệng:
- Mày hay quá, tao mà lái thì chắc phải đụng xe đến cả chục lần.
Mắt Quỳ vẫn nhìn về phía đàng trước:
- Lái mãi rồi cũng quen mày ơi! Cả cái Sàigòn này vậy đấy, nhất là đến giờ tan sở thì mạnh ai nấy chạy. Khói phun đến nghẹt thở.

Tường như chợt nhớ ra chuyện gì, hỏi vội:
- Thế mày lên đây bao lâu rồi? Mà mày học lái xe hồi nào vậy?
- Mày đi được một năm thì tao xin làm lơ xe cho ông Bảy, mày còn nhớ ông Bảy ở đầu xóm không? Tao phụ lơ chạy tuyến đường Sàigòn – Vũng-tàu. Chạy được vài năm, ông giao khoán cho tao chạy luôn, chia theo lối tứ lục, nghĩa là ông Bảy sáu phần tao lấy bốn phần. Làm ăn cũng tàm tạm được 5, 6 năm thì cái xe sinh bệnh nhiều quá, ông Bảy không có tiền sửa nên bán lại cho một tay chủ vựa trái cây ở Lái thiêu. Tao đâm ra thất nghiệp. Mãi sau có người giới thiệu cho một công ty tư nhân ở trên này, chuyên chở hàng. Tao dọn về đây đã gần chục năm rồi còn gì.
Tường dò hỏi:
- Thế mày trở thành thổ công rồi chứ gì?
Quỳ hất đầu:
- Sống mãi rồi cũng phải biết. Sư nó! Mày thấy cái Sàigòn này đâu có xa quê mình bao nhiêu, thế mà trước đây tao với mày cứ mù tịt.
Bỗng Quỳ đập tay chàng:
- Mày thấy chiếc Mercedes màu huyết dụ đàng trước không?

Tường lách đầu cố nhìn theo ngón tay của Quỳ:
- Ừ! Sao?
- Ở bên mày, giá độ chừng giá bao nhiêu?
- Khoảng bảy chục!
Giọng Quỳ sôi nổi:
- Mày thấy đó, khi nhập cảng vào Việt nam mày biết nó đánh thuế bao nhiêu không? Gấp ba lần, nghĩa là chiếc xế đó trên dưới hai trăm nghìn. Hai trăm nghìn đô, chứ không phải hai trăm nghìn tiền nhà nước đâu nghe. Vậy mà chúng nó vẫn ung dung lái đi giữa đường phố đầy những kẻ bần cùng. Mày thấy có chướng mắt không? Lương tháng của tao thuộc loại khá tính ra khoảng năm chục đô, cũng chưa đáng được rờ đến cái nước sơn bóng lưỡng của nó.
Chưa bao giờ chàng nghe giọng thằng bạn hằn học đến thế:
- Như tao nói với mày lúc nãy, số tiền mình làm ra thấy quá nhỏ nhoi và vô lý lắm, mặc dù cũng phải đổ hết mồ hôi mới kiếm được. Nên làm bao nhiêu tao ăn xài đến hết thì thôi. Để dành làm quái gì cho khổ lấy tấm thân.

Tường phân trần:
- Tao thấy đường phố buôn bán sầm uất đấy chứ! Nhà nước cho dân chúng làm ăn có đồng ra đồng vào kể cũng được.
Quỳ bĩu môi:
- Chỉ là bề mặt thôi mày ơi! Không cần bước ra ngoại ô cho xa xôi, mày cứ sang đến quận bốn, trong khu lao động ở bên kia cầu Calmette là thấy ngay sự nghèo đói của đại đa số tầng lớp dân chúng. Về đến Phước-tỉnh, quê của tao và mày, trông lại càng xác xơ hơn. Mai mày về rồi thấy tận mắt cái điêu tàn đến cùng cực của xóm làng. Cho nên không bao giờ tao ở lại đó quá hai ngày. Chán lắm mày ơi! Bạn bè ly tán mỗi đứa một phương, những đứa còn lại thì quần quật với ngày hai bữa cơm là đã hết giờ, chẳng rảnh rỗi một chút nào, lấy đâu có thì giờ với bạn bè. Vì vậy, về thăm gia đình chỉ thoáng cái là tao lại vọt lên trên này. Ông bà già chưởi quá nhưng đành chịu. Hơn nữa, cái thân quen của Sàigòn nó gắn bó với cuộc sống của tao quá rồi, như tình nhân.
Tường ngậm ngùi:
- Vậy mà đã gần hai mươi năm. Vật đổi sao dời. Nhiều lúc tao cũng không nghĩ là mình sống ở Mỹ. Đôi khi tao lại có ý định muốn về lại nơi chốn cũ, sống gần mày, gần gia đình.

Quỳ chép miệng:
- Thôi! Đừng dại, cứ ở bên đó đi. Xa quê hương nhớ mẹ hiền thì được nhưng nhớ đừng bao giờ dại dột về sống với chúng nó. Khối tay trí thức ở nước ngoài bị bọn cộng sản lừa như con nít. Cả đời tao, chỉ có mỗi cái bằng lái xe mà sao tao lại hiểu cái nguyên lý đơn giản đó, sao mấy tay bằng cấp đầy mình mà vẫn bị chúng nó lừa thì quả thật nhiều lúc tao không hiểu được. Học lên đến đó thì đầu óc phải thông minh chứ, phải không mày? Cái lạ là chúng nó đâu phải mới lừa người ta mới đây đâu, ông già tao nói nó lừa cả thế giới từ ngày cách mạng bên Nga thành công. Vậy mà đến giờ này vẫn có người tin thì kể cũng lạ thật.



Copy Trang này :Tại đây !
Chia sẻ bài viết
Facebook Twitter