watch sexy videos at nza-vids!
Nông trại vui vẻ Online
Game nông trại chơi cực khoái. Hãy thử tài trồng trọt, chăn nuôi của bạn!
Tải ngay (Online)
Chỉ mục bài viết
Cây Số 42
Trang 2
Tất cả các trang

Cây Số 42

Tác giả: Dũng Hà

Sân bay Tân Sơn Nhất một buổi chiều. Những ngọn gió nam không bị vật gì kìm hãm, rít vù vù trong cuộc đuổi nhau bất tận cuốn tung những ngọn cờ trên nóc nhà ga, và bên cạnh tôi những tà áo dài của các chị em trong đoàn đi đón khách bay vờn lên như những cánh bướm.
Chiếc máy bay TU.134A lăn những vòng bánh cuối cùng rồi dừng lại ở vị trí quy định. Mấy phút sau chiếc cầu thang đã được đặt xong và cửa máy bay mở rộng. Các vị khách quốc tế xuất hiện trên khung cửa giơ tay vẫy chào đáp lại những cánh tay và những lời reo vui nồng nhiệt của chúng tôi, những người đón khách. Đó là những vị khách đến dự một cuộc họp quốc tế quan trọng được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với các bạn trong đoàn ra đón, tôi lần lượt bắt tay các vị khách quý, những nhân vật có tên tuổi, nam và nữ của hai lục địa. Họ đều cao lớn, khỏe mạnh với những gương mặt cởi mở, trang nghiêm, hoặc bỡ ngỡ với những mầu da trắng hồng hoặc nâu và đen.
Tôi siết chặt tay một người mặc âu phục xám, dáng cao và mảnh khảnh, có hàng ria đen khá đậm để theo kiểu người ả Rập và chào anh bằng tiếng Pháp:
- Chúc mừng đồng chí đã đến thăm đất nước chúng tôi.
Người khách nắm chặt tay tôi và thật bất ngờ, anh đáp lại bằng tiếng Việt khá sõi:
- Chào đồng chí! Rất cảm ơn đồng chí đã ra đón chúng tôi. Đồng chí có mạnh khỏe không?

Ngạc nhiên, tôi ôm lấy người bạn quốc tế mà ngay từ câu nói đầu tiên đã tỏ ra am hiểu phong tục Việt Nam. Anh đã chẳng hỏi thăm ngay sức khỏe của tôi như một người bạn thật lâu ngày mới gặp lại đó sao?
- Anh nói được tiếng Việt? - Hay quá! Anh nói được nhiều không?
- Tàm tạm - Anh bạn nhã nhặn gật đầu, miệng tủm tỉm, lộ vẻ hóm hỉnh - Tôi nói còn xoàng hơn mấy cha kia!
Anh hất hàm về phía những người bạn quốc tế đang tíu tít bên những cô phiên dịch và những bạn bè quen thuộc ra đón.
"Chà! Vớ được anh Tây mắm tôm". Tôi hết sức hứng thú trước sự bất ngờ này, nghĩ thầm trong bụng rồi lần lượt bắt tay những người bạn khác. Sau đó, tất cả, chủ và khách cùng nắm tay chào nhau đi vào phòng khách của nhà ga.

Anh bạn mà tôi vừa quen, đi trước cùng các đồng chí trong ban chấp hành ra đón. Tôi nhìn anh từ phía sau. Lưng anh hơi còng và lệch vai bên phải. Nhìn kỹ thấy bước chân anh hơi tập tễnh, dường như chân trái có tật. Mái tóc đen dài và xoăn của anh đã bạc trắng ở hai bên thái dương. Tôi bỗng mơ hồ như đã gặp anh ở đâu. Nhưng nghĩ mãi không nhớ ra.
Đêm hôm ấy, trong căn phòng nhỏ trên tầng lầu ba của một khách sạn bên sông Sài Gòn, tôi cứ trăn trở mãi không ngủ được, bâng khuâng nhớ lại cảnh tượng ban chiều. Cùng phòng với tôi, là một anh bạn ở Hà Nội vào. Chúng tôi trao đổi với nhau những nhận xét, những cảm nghĩ và ấn tượng ban đầu trong cuộc tiếp đón những người bạn quốc tế. Tôi kể lại cho anh bạn Hà Nội nghe về người khách nói tiếng Việt rồi phàn nàn:
- Trí nhớ mình tồi quá! Hình như mình đã gặp ông ấy ở đâu một lần.

Anh bạn đã ngái ngủ nhưng cũng gắng tỏ ra lịch sử trả lời:
- Ông thử nhớ lại những lần ông đi họp ở Liên Xô, ở Đức, ở Tiệp, ở Mông Cổ hay đi thăm ấn Độ, Cu-ba xem?
- Cái gương mặt ấy, kiểu tóc ấy, bộ ria mép ấy, rõ ràng là người ả Rập.
Anh bạn Hà Nội cười phá lên:
- Nói như thế cũng chẳng khó gì! Nhưng họ là người nước nào? Thôi ngủ đi! Mai hỏi khắc biết!

Chỉ mươi phút sau, tôi đã nghe tiếng ngáy đều đều của anh bạn Hà Nội. Thế mà tôi vẫn không sao ngủ ngay được. Kỳ lạ! Hình ảnh người bạn quốc tế cứ xoắn lấy tôi. Tôi lặng lẽ ngồi dậy đốt một điếu thuốc rồi đến bên song cửa nhìn ra. Đêm đã về khuya. Từng cơn gió mát lạnh từ sông Sài Gòn thổi vào vuốt ve da thịt khiến tôi thấy tỉnh táo hẳn lên. Ngoài đường Tôn Đức Thắng chạy dọc bờ sông, lúc này xe cộ đã thưa thớt hẳn, không còn nghe thấy tiếng nổ phành phạch đến nhức tai của những chiếc xe lam hay xích lô máy, cũng như không còn phải hít cái mùi khói dầu khét lẹt do những chiếc xe đó phun ra. Không gian thoảng mùi êm dịu của hoa dạ hương từ một vườn hoa hay một dã thự nào đưa tới, lẫn mùi tanh nhàn nhạt của mặt sông xao động dưới những ánh đèn xa và hương vị ngọt ngào trong vắt lúc này của gió. Thỉnh thoảng, có tiếng vọng ì ầm từ bên kia bến phà Thủ Thiêm hay mãi bên Khánh Hội hòa với tiếng còi xa xăm của vài chiếc tàu nhỏ đang rời hay cập bến. Dọc bến Bạch Đằng hàng trăm ngọn đèn lung linh mờ tỏ trên những con tàu đại dương sơn màu trắng, vàng hay nâu, giăng hàng, trang nghiêm, im lìm như một hạm đội đang chuẩn bị chiến đấu. Bầu trời cao thẳm đen sẫm. ức triệu vì sao lung linh trải ra tít tận chân trời.

Tôi lục tìm trong trí nhớ, hồi tưởng lại tất cả những chặng đường đã đi qua ở nước ngoài, những hội nghị, những cuộc viếng thăm, những ngày tắm nắng ở bờ Hắc Hải, những buổi tọa đàm ở Niu Đê-li... Nhưng hoài công. Tôi đã không thể nhớ lại được một gương mặt nào như thế, với dáng đi tập tễnh, đôi vai lệch và tấm lưng dài hơi còng như thế.
Tôi lại trôi theo dòng hồi tưởng ngược về những năm tháng xa xưa, trong những ngày gian nan chống Mỹ, dọc đường khu Bốn, khu Năm, theo đường Trường Sơn vào tận các bưng biền miền nam, đến khi tôi trở về thành thị và những ngày sôi động ở Sài Gòn. Không! Tôi đã không gặp một người nào như thế.

Tôi đốt một điếu thuốc "475" thứ ba, tiếp tục lần ngược dòng ký ức về tận những ngày xưa cũ, quãng thời gian chống Pháp, tiếp quản thủ đô đuổi giặc ở đồng bằng Bắc Bộ, ngược về chiến dịch Điện Biên Phủ. Tính tôi vốn như vậy: đã vương vấn nghi hoặc một điều gì là tự tìm cách lý giải đến cùng cho đến khi sáng tỏ mới thôi.
Bỗng như tia chớp lóe: một kỷ niệm vụt hiện lên trong trí nhớ tôi. Rồi nó cứ xoắn xuýt mãi, lúc đầu còn mơ hồ mỏng manh như khói sương, sau dần dần tụ hội lại ngày càng rõ nét, càng hoàn chỉnh. Tôi bàng hoàng vui sướng kêu lên: "Đúng rồi!". Nhưng ngay sau đó, cảm giác hoài nghi khi nghĩ về thực tại lại lập tức chế ngự đầu óc. Tôi tự nhủ: "Không làm gì có chuyện như thế! Người đó đâu còn nữa! ở đời thiếu gì người giống nhau!".
Tôi bồi hồi trở về giường, khẽ khàng đặt lưng để khỏi làm anh bạn Hà Nội thức giấc. Tôi đặt cho mình một nhiệm vụ là sáng mai phải tìm gặp anh bạn ban chiều và hỏi cho ra ngành ngọn. Yên tâm, tôi ngủ thiếp đi.

Hôm sau, cuộc họp được tiến hành trong một hội trường tráng lệ của thành phố. Tôi ngồi ở chỗ dành cho các nhà báo trong nước được mời. Cả buổi sáng, cả buổi chiều, tôi nhìn lên phía đoàn chủ tịch, tai lắng nghe những lời phát biểu qua máy phiên dịch, mắt lại luôn nhìn anh bạn chiều qua. Rõ ràng anh là một nhân vật quan trọng trong cái tổ chức quốc tế á - Phi này. Người ta gọi anh một cách trọng vọng là ápđun Môhamét.
Tôi cũng nhận thấy một điều khác lạ. ápđun ngồi trên ghế đoàn chủ tịch, thường đưa mắt nhìn về phía chúng tôi. Cặp mắt nâu hơi sâu và trầm tĩnh của anh như tìm kiếm và khi anh phát hiện ra tôi, dường như cặp mắt ấy ánh lên một nét bỡ ngỡ lẫn mừng vui. Khi anh bước lên diễn đàn, giọng nói của anh trầm, ấm và kiên nghị:

- ... Trong cuộc chiến tranh thần thánh chống bọn xâm lược Mỹ, nhân dân Việt Nam anh hùng đã giành được sự đồng tình, ủng hộ của cả loài người tiến bộ. Bằng những cống hiến của mình, những bạn bè của các đồng chí ở khắp năm châu đã góp phần tích cực vào việc lên án bọn xâm lược, ca ngợi và cổ vũ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam. Chúng tôi vui mừng và tự hào trước sự đánh giá của các bạn về phần cống hiến nhỏ bé này. Ngày nay trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước của Việt Nam, chúng tôi cũng dành toàn bộ tình cảm và sự ủng hộ của mình. Chúng tôi đoàn kết với Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc, giữ gìn độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình...
Phiên họp cuối cùng chấm dứt, mọi người ùa ra hành lang sân nghỉ ngơi trong lúc chờ đi dự buổi chiêu đãi của ủy ban Nhân dân thành phố.

Tôi đến ngồi trên chiếc xôpha, cạnh một chiếc bồn lớn bằng sứ tráng men xanh, trồng một cây bông sứ đẹp mê hồn, chờ cho Môhamét dứt khỏi những bạn bè. Thì chính anh bạn ấy đã bước đến bên tôi với dáng quả quyết đáng mến:
- Xin lỗi! Tôi muốn được nói chuyện với anh, được chứ?
Tôi vội đứng dậy, nắm lấy tay anh, không giấu được vẻ mừng vui:
- Tôi rất mừng là lại được nói chuyện với anh. Mấy ngày qua anh bận quá. Tôi có một băn khoăn muốn hỏi anh... ápđun ôm lấy vai tôi nồng nhiệt nói:
- Trời ơi! Chính tôi cũng đang muốn được gặp anh. Tôi cảm thấy rất quen anh, như là đã được gặp anh ở đâu rồi.

Tôi khẽ nắm tay anh:
- Anh cho phép tôi hỏi, trước đây anh đã sang Việt Nam lần nào chưa? Anh học tiếng Việt từ bao giờ mà nói khá thế?
- Tôi sang đây lần này là thứ ba.
- Lần thứ nhất là bao giờ? Hồi chiến tranh chống Pháp, anh có ở đây không? ápđun nhìn chằm chằm vào mặt tôi, mặt đỏ lên vì xúc động:
- Lần thứ nhất là cuộc chiến tranh Pháp - Việt. Lúc ấy tôi là lính trong quân đội Liên hiệp Pháp.

Tôi hồi hộp hỏi dồn:
- Anh có dự trận Điện Biên Phủ không?
- Tôi có dự. Tôi là lính của tiểu đoàn lê dương trên đồi Anne Marie.
- Anh có ở trong đoàn tù binh về Thanh Hóa không?
- Có!
- Anh có nhớ vụ trực thăng ở cây số 42 không?
- Trực thăng? Không bao giờ tôi quên được việc ấy!

- Anh còn nhớ một commăngdăng và một cô gái thanh niên xung phong không?
ápđun nắm chặt cánh tay tôi. Nét mặt xúc động tràn ngập ánh mắt anh:
- Tôi có nhớ! Làm sao có thể quên được!
- Thế anh có phải là người lính đó không?
- Chính tôi đấy!
- Trời ơi! Hóa ra anh đấy ư? Anh có nhận ra tôi không?
ápđun Môhamét bỗng run lên. ánh mắt nóng bỏng của anh như cắm sâu vào mắt tôi. Trong một thoáng, hình như anh đang cố hình dung ra một bóng dáng xa vời của dĩ vãng. Cặp môi anh mấp máy, rồi anh ôm chầm lấy tôi, hoan hỉ kêu lên:
- Mon commandant! (Ngài thiếu tá)
- Benla!
Bỗng chốc, tôi bật nhớ ra tên anh.

 

II

Lúc ấy, vào khoảng 3 giờ chiều ngày 7 tháng 5. Tiểu đoàn chúng tôi đã đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm A1 mà tướng Đờ Cát gọi bằng cái tên mỹ miều là Anne Marie, sau một tháng giằng co ác liệt.
Các đại đội, với số quân vơi đi quá nửa, chia nhau chiếm giữ các vị trí, các ụ súng, các giao thông hào, sẵn sàng đánh địch phản kích từ trung tâm Mường Thanh lên. Sở chỉ huy tiểu đoàn đặt trong một công sự đắp nổi bằng bao cát mà trong sơ đồ tác chiến, chúng tôi gọi là ụ Thằng Người vì nó ở ngay một bên gốc cây cụt, trông xa như một người bước lom khom.

Tù binh đã được đưa ra hết phía sau từ buổi sáng, nhưng đó đây, từ các hầm bí mật, bọn lê dương, có vài tên sỹ quan chỉ huy vẫn ngoan cố chống cự. Chúng luồn lỏi trong những đoạn đường hào lấp kín, bất ngờ ném lựu đạn vào những ụ súng có bộ đội ta chốt giữ. Công việc tiễu trừ bọn tàn quân kéo dài đến tận chiều và đến lúc này mấy tên tù binh cuối cùng đã bị dồn vào một lô cốt không mái che. Một chiến sĩ cắp khẩu tiểu liên "Tuyn" đứng gác.

Tôi đứng trên ụ Thằng Người chiếu ống nhòm nhìn xuống khu Mường Thanh. Chiều tháng 5, trong khu lòng chảo rất oi bức. Trời trong xanh không gợn một đám mây. Hai chiếc Đakota bay khá cao đang cố lượn những vòng tuyệt vọng, thả dù xuống khu trung tâm. Những chiếc dù trắng tung ra, lủng lẳng những chùm đạn đại bác 105 ly, những hòm thực phẩm. Còn những cuộn dây thép gai thì chúng cứ đẩy thẳng xuống, gây nên khủng khiếp cho bọn lính đang lúc nhúc dưới các hầm hào. Tiếng súng lớn nhỏ dội lên khắp nơi. Mấy chiếc xe tăng T.18 cuối cùng đang cuống cuồng chạy đi chạy lại. Nhưng toàn bộ khu trung tâm đã lộ ra một quang cảnh nhốn nháo hỗn loạn khác thường. Dọc những mép hào giao thông nối liền các vị trí còn lại của địch, trông xa giống như trăm ngàn tổ kiến, những tên lính Pháp đang lũ lượt chạy dồn vào khu trung tâm. Rất nhiều tên đã bỏ súng nhảy lên ngồi trên mép hào. Xa xa, về phía tây và nam, bỗng xuất hiện những lá cờ trắng.

Đại đội trưởng Thụy giương ống nhòm quan sát một lúc, bỗng hét to:
- Anh Vũ ! Địch đầu hàng rồi!
Khắp đồi A1 vang động những tiếng reo hò. Các chiến sĩ cực kỳ phấn khởi, nhảy cả lên nóc lô cốt. Giờ cáo chung của tập đoàn cứ điểm đã đến rồi!
Đúng lúc đó hàng loạt tiếng đề-pa của súng cối 120 ly từ Hồng Cúm vèo vèo rít gió, hướng về phía chúng tôi. Tôi chỉ kịp thét:
- Nó bắn đấy! Nằm xuống!

Hàng chục quả đạn cối 120 ly đã ầm ầm quật xuống đồi A1. Tiếng nổ chát chúa như xé tai. Khói đen đặc trùm kín nơi chúng tôi đang đứng. Tiếng kêu thét "Mon Dieu!" (Lạy chúa) của mấy tên tù binh lẫn trong tiếng kêu thất thanh của đại đội trưởng Thụy:
- Tôi bị rồi anh Vũ ơi!
Chúng tôi lao vào lô cốt giam tù binh giữa làn khói bụi sặc sụa khét lẹt. Chiếc lô cốt đã vỡ tung. Một quả đạn rơi đúng giữa căn hầm lộ thiên, giết chết tươi ba tên tù binh. Tên còn lại máu me đầy mặt đang run bắn, nép vào góc tường, giương cặp mắt nâu đờ dại nhìn chúng tôi, miệng lắp bắp:
- Mon Dieu! Mon Dieu!

Tôi ôm đại đội trưởng Thụy trên tay. Một mảnh đạn đã làm đùi trái anh bị gãy nát và trên bụng anh, máu trào ra ướt đẫm bàn tay tôi. Gương mặt Thụy tái xanh, nhưng Thụy nói vẫn bình tĩnh:
- Anh Vũ! Nó chỉ có thể phản kích bằng hỏa lực được thôi! Cho anh em sơ tán rộng ra.
Đưa Thụy sang căn hầm khác cấp cứu và tổ chức cáng thương đưa anh về phía sau xong, y tá tiểu đoàn băng bó cho tên tù binh còn sống sót. Nó có vẻ chịu đựng, tự tay xé rộng ống quần để lộ vết thương đỏ lòm. Cặp môi dày của nó mấp máy:
- "Merci! Merci bien mon caporal!" (Cảm ơn! Rất cảm ơn thầy cai)

Tôi đang cay đắng vì tổn thất bất ngờ xảy ra trước giờ toàn thắng, không khỏi mỉm cười trước câu nói "cầu tài" của tên lê dương. Tôi dằn giọng bảo nó:
- Thấy rõ bộ mặt Đờ Cát chưa? Đứa nào giết chúng mày?
Tên tù binh ngước cặp mắt thảm hại nhìn xác mấy tên đồng bọn lẩm bẩm: "Khủng khiếp quá! Khủng khiếp quá!". Tiểu đoàn trưởng Dũng bắn trọn một băng đại liên quét sườn một toán địch đang lò dò lên chiếm lại đồi Châu ún chi viện cho đơn vị bạn. Anh vứt súng, nện đôi giày đinh chiến lợi phẩm cồm cộp đi vào. Tay đặt lên khẩu Brôninh Canada, anh nói rít trong kẽ răng.

Anh nói tiếng Pháp rất thạo:
- Chúng mày phải chết.
Nhìn nòng súng chĩa vào ngực mình mỗi lúc một gần, tên tù binh bật dậy:
- Mon commandant! Tôi không có tội!
- Không có tội! Mày? Một tên lê dương?
- Thưa ông, tôi đã phản chiến! Tôi đã chạy sang hàng ngũ các ông.
Tiểu đoàn trưởng phì cười:
- Chúng tao bắt mày tại trận mà mày lại là hàng binh à?

Tên tù binh vẫn đứng theo tư thế nghiêm:
- Xin phép ngài thiếu tá được báo cáo!
- Nói đi!
- Thưa ngài thiếu tá! Cách đây ba ngày tôi đã rời khỏi căn cứ này chạy ra rừng để tìm đến hàng quân đội Việt Nam - Hắn lóng ngóng lần túi trong chiếc áo "bắt gà" rộng lùng thùng rút ra một tờ giấy trắng gấp cẩn thận:
- Thưa ngài thiếu tá! Tôi nhặt được tờ truyền đơn của các ngài cách đây một tuần. Tôi liền đào ngũ chạy ra rừng. Nhưng loanh quanh ba ngày không gặp bộ đội Việt Nam. Tôi lại bị quân tuần tiễu bắt gặp, trả về đại đội. Tôi bị phạt giam ba ngày. Khi các ngài đánh vào, Capitaine (Ông đại úy), buộc tôi cầm súng chống cự. Tôi chỉ bắn lên trời, cầu Chúa che chở cho. Đúng lúc ấy các ông tràn vào...

Tôi để ý nhìn kỹ tên tù binh: mái tóc đen xoăn tít rối bù, gương mặt đen sạm gầy guộc, cặp mắt nâu trũng sâu, một hàng ria mép đen và chiếc lưng hơi còng. Trông hắn có vẻ thành thật bên trong nỗi mệt mỏi cực độ về thể xác. Tôi hỏi:
- Tên anh là gì? Cấp bậc?
Lập tức, tên tù binh rập gót giầy.
- Benla, binh nhất, thưa ngài thiếu tá!
- Bao nhiêu tuổi?
- Thưa ngài thiếu tá, hai mươi tám.
Tôi ngạc nhiên nhìn hắn. Tôi tưởng hắn phải đến bốn mươi nhăm.

Tiểu đoàn trưởng Dũng phẩy tay làm một cử chỉ cắt ngang:
- Không thể tin anh được. Anh bị bắt tại trận với vũ khí trong tay. Anh là tù binh chiến tranh. Ra chỗ kia tập trung. Tên tù binh chớp cặp mắt mệt mỏi, cúi đầu bước theo một chiến sĩ, dáng đi lộ vẻ nhẫn nhục.
Ba ngày sau, tiểu đoàn chúng tôi nhận được một lệnh khá đặc biệt "áp tải hai nghìn tù binh Pháp về hậu phương Thanh Hóa". Cấp trên còn đề ra yêu cầu phải bảo đảm đầy đủ số tù binh không được để hao hụt đào ngũ dọc đường. Để giữ bí mật an toàn, tránh máy bay địch phát hiện bắn phá, các đơn vị áp tải tù binh đều phải hành quân đêm. Chúng tôi chia số tù binh đồng đều về cho các đại đội. Các đơn vị tổ chức lại thành từng toán, chừng ba chục tên. Cứ mười tên thành một tổ, chỉ định một tên có cấp bậc cao nhất làm tổ trưởng. Mỗi tổ tù binh do một tổ ba người của ta trông nom đôn đốc. Gay go nhất là vấn đề lương thực dọc đường. Chúng tôi ăn thế nào thì cấp cho tù binh như thế. Nghĩa là chỉ có gạo và muối trắng. Đôi khi có ít lạc và vừng. Tù binh đựng gạo bằng tất cả những thứ gì mà chúng có: ống quần, bít tất, áo sơ mi, quần đùi, vỏ hộp.

Chiến dịch áp tải tù binh mới đầu tưởng cũng đơn giản nhẹ nhàng. "Có gì lắm đâu? Chỉ là việc dắt những tên lính bại trận đã bị tước vũ khí về hậu phương trình diện với đồng bào như dắt một đàn bò thôi mà". Cánh tiểu đội trưởng trẻ măng bảo nhau thế.
Hóa ra đó lại là một công việc hết sức phức tạp và vô cùng gian khổ. Đội quân viễn chinh lê dương thất trận, trong nỗi vui sướng vô biên lộ ra trên cửa miệng từng đứa "finit la guierre" (Hết chiến tranh rồi) đã chơi cho chúng tôi một vố, khiến chúng tôi, những người thắng trận phải một phen điêu đứng suốt chặng đường dài dằng dặc trong hơn một tháng trời.

Một buổi chiều, từ chỗ trú quân ven đường gần ngã ba Tuần Giáo, chúng tôi dẫn tù binh vượt đèo Pha Đin. Đó là một cái đèo nổi tiếng vì độ cao, độ dài và khó đi, là nỗi gờm sợ của những chàng lái xe kéo pháo.
Tôi cùng cậu liên lạc vượt lên trước. Từ chỗ đứng trên cao, nhìn xuống đoàn tù binh trải thành một hàng dài vô tận. Sương buông xuống, phả những hạt lạnh li ti lên mặt khiến tôi thấy tỉnh táo hẳn lên. Tôi ngắm nhìn cái dòng người rồng rắn loang lổ ở dưới kia, ngẫm nghĩ và thấy thấm thía ý nghĩa của hai chữ chiến thắng và độc lập.
Những tên lính hung hãn kia chẳng đã một thời là nỗi khiếp đảm đối với mọi người dân ta đó sao? Trước ngày Cách mạng Tháng Tám, đừng nói một tên lính Pháp, mà chỉ một tên lính khố xanh bản xứ, thậm chí một tên lính cơ, lính lệ ở cái xó huyện đường cũng là nỗi sợ hãi ngày đêm với từng người đàn bà, ông già hay em nhỏ, nhất là với dân quê. Thế mà nay, trải qua một cuộc đổi đời, trời long đất lở, những thiên lôi, quan lớn, phượng hoàng... với thân xác to lớn, cồng kềnh chỉ còn là một lũ quân ô hợp, cực kỳ bạc nhược, chỉ trong một hai ngày đã phơi bày ra tất cả những gì xấu xa hèn yếu.

Trông chúng mới thảm hại làm sao! Chúng đội trên đầu những cái gọi là mũ: mũ sắt kiêm nồi nấu xúp, mũ vải, calô và cả nồi nhôm. Quá nửa trong bọn chúng là đầu trần, chân đất, quần đùi, áo cộc. Lại có đứa chỉ có độc cái quần tắm trên người, phơi ra cái thân hình đỏ ửng như tôm luộc. Đứa nào cũng râu ria, lông lá. Cũng có đứa mang đủ các thứ linh tinh trên người từ chiếc ba lô nặng trịch những đồ hộp đến đôi giày đinh mới nguyên đeo trên cổ, chắc là mới khoắng được trong kho trước phút đầu hàng. Có đứa chỉ đi người không, hai tay đút túi quần, vẻ mặt lì lợm hoặc phớt đời. Có đứa chỉ xách trên tay một chiếc vỏ hộp cát-cút.
Đi bên cạnh cái dòng người hỗn tạp, hôi hám ấy, là từng tốp chiến sĩ ta với vóc dáng bé nhỏ, với súng ống đạn dược trang bị theo cơ số chiến đấu và một chiếc ba lô mỏng tang sau lưng.

 

III

Vượt qua mấy đoạn đèo, đoàn tù binh đuổi kịp một đơn vị nữ thanh niên xung phong cũng trên đường trở ra. Các cô đều mặc quần đen, áo sơ mi xanh màu lá, dép lốp, mũ nan, gài lá ngụy trang. Nhiều cô khoác tấm vải dù hoa, một kỷ niệm kiêu hãnh của người ở chiến trường trở về. Cô nào cũng gồng gánh nhưng xem ra chẳng có gì là nặng. Khác hẳn những ngày trước đây, các cô nhìn toán tù binh dài dằng dặc vượt qua bằng ánh mắt thản nhiên, tò mò, thích thú và khinh thị. Những tiếng nói lao xao trong trẻo cất lên giữa lưng đèo lạnh ngắt:
- Khiếp, trông chúng nó kinh kinh là! Bây giờ em mới nhìn thấy tận mắt đấy. - Các cậu ơi! Thằng râu đỏ kia có cái bụng to như bụng Đổng Trác.
- Eo ơi! Chúng nó hôi quá.
- Các anh ơi! Chúng em mỗi đứa một thằng về kéo cày nhé. Trâu nhà em tàu bay nó bắn chết rồi.
- Ơ hò... Bộ đội mà gặp dân công... Ai đi hò lờ.
Như anh gặp chị... ai đi hò lờ.
Như ông gặp bà... Hò lơ ới lơ, lắng tai nghe chúng tôi hò lờ.

Tiếng ồm ồm của một cậu nào bỗng cất lên nghịch ngợm khiến quang cảnh trở nên nhộn nhạo. Khắp hàng quân ran ran tiếng cười nói, tiếng đùa cợt, tán tỉnh của các chàng lính trẻ. Các cô gái cười như nắc nẻ, giúi đẩy nhau, đấm vai nhau thùm thụp.
Bọn tù binh cũng giương những cặp mắt mèo hau háu nhìn các cô gái. Chúng trao đổi với nhau những cái hất hàm, nháy mắt, những câu bình phẩm tục tĩu và cười hô hố, vài tên còn khụm những ngón tay bóp bóp vào không khí.
Thấy thế, đại đội trưởng Lâm hầm hầm vỗ bao súng quát:
- Cu xoong tù binh! Đứa nào động tới chị em tau bắn tại chỗ!
Bọn tù binh như hiểu ý qua dáng điệu của người mà chúng gọi một cách kính cẩn là "mon capitaine" (Ngài đại úy) liền im bặt lấm lét bước nhanh.

Một cô gái đi sau, sát vệ đường lấy sức bước lên một hòn đá. Bất ngờ cô trượt chân ngã quỵ xuống. Chiếc ba lô mắc ở phía sau đòn gánh bật ra, lăn xuống dốc núi dựng đứng. Cô gái kêu lên một tiếng hoảng hốt, đứng ngẩn nhìn theo chiếc ba lô, chưa biết xử trí ra sao... Giữa lúc mọi người đi trước chưa biết làm gì thì trong đoàn tù binh, một người đã tự động tách khỏi hàng và lao theo chiếc ba lô. Chỉ một phút sau anh ta đã leo lên và đặt chiếc ba lô trước mặt cô gái, miệng lúng búng:
- Của cô... Xin chào! Cám ơn...
Trước vẻ bỡ ngỡ và có chiều ngượng ngập của cô gái, anh ta chạy vội về hàng của mình.

Việc nhỏ đó cũng đủ là đề tài câu chuyện kéo dài trong chặng vượt đèo. Khi cậu liên lạc láu táu kể chuyện đó cho tôi nghe, tôi nảy ra ý tò mò muốn biết mặt người tù binh đó. Tuy trời đã nhá nhem tối nhưng tôi cũng còn nhận ra một dáng hơi quen. Vừa đi bên cạnh anh ta, tôi hỏi:
- Anh đã giúp đỡ một người của chúng tôi. Thế là tốt.
Người tù binh ưỡn ngực những vẫn bước:
- Xin cảm ơn ngài thiếu tá!
- Tôi trông anh hơi quen.

- Thưa ngài thiếu tá! Tôi đã được hân hạnh gặp ngài trên đồi Anne Marie sau khi pháo của quân đội Liên hiệp Pháp đã giết hại mấy đồng đội của tôi.
- à! Tôi nhớ, Benla, đúng tên anh vậy không?
Mấy tên tù binh đi bên cạnh Benla nhìn anh ta bằng cặp mắt ghen tị. Benla lộ vẻ vui sướng nhưng giọng vẫn điềm đạm:
- Rất cảm ơn ngài thiếu tá.

*

* *

Một tuần sau, ngày nghỉ đêm đi, chúng tôi vẫn hành quân trên trục đường 41 về hậu phương. Bọn tù binh xuống sức trông thấy. Chúng không quen đi bộ, lại nhiều đứa không có giày, phải xé quần áo quấn lấy bàn chân mà đi trong khi nhiều đứa khác thường là bọn sĩ quan lại có đôi giày dự bị đeo trên cổ... Chúng không biết nấu xúp nên bao giờ cũng phải ăn cháo sống. Còn ngủ thì cũng gần giống như bộ đội ta, đã có những đệm lá khô trong rừng. Sau một đêm hành quân, sáng ra điểm danh lại thiếu hụt dăm bảy đứa. Nhiều tên, nhất là bọn quê ở Bắc Âu, Trung Âu tỏ ra bạc nhược và vô kỷ luật hơn cả. Chúng cứ tụt dần về cuối hàng và chờ dịp chiến sĩ ta sơ ý, liền tạt ngang vào rừng, chui sâu vào những lùm cây rậm rạp và lăn ra ngủ. Chúng sợ hoặc lười đi đêm. Sáng dậy, chúng mới đủng đỉnh lên đường tìm theo đơn vị mà chúng biết chắc thế nào cũng phải cắm biển đón. Gặp dân bản, chúng lén lút mò vào, vơ vét tất cả những gì chúng có thể vơ vét được: hàng sọt lá khoai lang khô dành nuôi lợn, chúng nhét đầy túi, làm thuốc lá hút dần, mấy quả muỗm xanh, mấy quả trứng gà trên ổ, con chó con còn đang bú mẹ.

Một buổi sáng sớm, khi chúng tôi vừa thức dậy sau một hai giờ chợp mắt vội vàng, một dân quân người Thái, tay cắp súng, đã áp tải một tên lê dương đến trả. Anh lôi trong túi quần "bắt gà" của nó một vốc hành khô, mấy chiếc men lá dùng để nấu rượu và một con lợn sữa đã chết cứng. Đại đội trưởng Lâm quắc mắt: đơn vị anh bị mất nhiều tù binh nhất.
- Mi lấy những thứ ni ở mô? Ai cho mi bỏ hàng ngũ? Tên tù binh, người Tây Đức vẫn nhơn nhơn:
- Thưa ngài đại úy! Có một "lơ nhà quê" cho tôi.
- Cho mi, răng người ta đến tận ban chỉ huy báo cáo?

Tên tù binh giương cặp mắt ốc nhồi lấc láo nhìn đi chỗ khác nhún vai vẻ phớt đời.
- Mẹec! Cu Xoong! - Đại đội trưởng Lâm, cáu tiết cho luôn nó một cái đá đít, quát:
- Về hàng! Mi còn phạm kỷ luật lần nữa, tau bắn đó!
Tên lê dương vẫn lấc láo, nghênh ngang tìm về "grúp" của mình giữa những tiếng cười hô hố của đồng bọn.



Copy Trang này :Tại đây !
Chia sẻ bài viết
Facebook Twitter